Quy tắc 1: Giữ gìn tư cách đạo đức và uy tín nghề nghiệp
Đối với Trọng tài viên việc giữ gìn tư cách đạo đức và uy tín nghề nghiệp là bổn phận bắt buộc trong việc hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của một Trọng tài viên.
Quy tắc 2: Nhận và thực hiện nhiệm vụ trọng tài
- Trọng tài viên phải tôn trọng sự lựa chọn Trọng tài viên của khách hàng hay của Trung tâm Trọng tài.
- Khi giải quyết vụ việc Trọng tài viên phải tân tụy hết mình vì sự thật và công lý, không được làm qua loa tắc trách đối với nhiệm vụ Trọng tài viên.
- Trọng tài viên chỉ chấp nhận giải quyết vụ kiện nếu có đủ năng lực và thời gian để giải quyết theo thời hạn quy định. Khi nhận giải quyết tranh chấp, Trọng tài viên phải áp dụng biện pháp tốt nhất để giải quyết nhanh chóng vụ kiện, ngăn chặn việc cố tình kéo dài của một hoặc các bên.
- Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài không được đồng thời là người đại diện, người bảo vệ quyền lợi của khách hàng có bất kỳ vụ kiện nào tại Trung tâm. Trừ khi được khách hàng chấp thuận bằng văn bản.
- Trọng tài viên không được dùng uy tín cá nhân, những lời hứa hẹn hoặc các biện pháp không chính đáng để lôi kéo các bên chỉ định mình làm Trọng tài viên.
- Trọng tài viên không được nhận tiền và quà cáp của các bên.
Quy tắc 3: Ứng xử khi có mâu thuẫn về quyền lợi giữa các khách hàng
Trọng tài viên phải đề xuất không nhận giải quyết vụ kiện nếu thấy mình:
- Có định kiến sẵn đối với một trong các bên hoặc với nhân chứng hoặc với chính bản thân vụ kiện và định kiến đó có thể làm ảnh hưởng đến quyết định của mình về bản chất vụ kiện hoặc kết quả vụ kiện đó;
- Đã nêu quan điểm pháp lý về bản chất của vụ kiện trước khi được chỉ định làm Trọng tài viên;
- Có các mối quan hệ tài chính, kinh doanh, nghề nghiệp, gia đình và xã hội với ít nhất một trong các bên mà các mối quan hệ này đem lại lợi ích dưới các dạng khác nhau cho Trọng tài viên; hoặc có cơ sở cho rằng quyết định của Trọng tài viên, nếu không khách quan, vô tư có thể đem lại những lợi ích nói trên cho Trọng tài viên;
- Trọng tài viên có nghĩa vụ làm sáng tỏ mọi vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự trung lập, vô tư, độc lập xét xử của Trọng tài viên;
- Việc làm sáng tỏ các vấn đề nêu trong Quy tắc này phải được lập thành văn bản theo quy định của Trung tâm.
Quy tắc 4: Độc lập, trung thực, khách quan
Khi tiến hành hòa giải, giải quyết tranh chấp Trọng tài viên phải bảo đảm tính độc lập, khách quan, trung thực và tận tụy. Trọng tài viên tuyệt đối không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc vì bất kỳ áp lực khác mà làm sai lệch sự thật, trái pháp luật và trái đạo đức xã hội. Cụ thể:
- Là thành viên của một tổ chức tài phán, Trọng tài viên phải giải quyết vụ kiện một cách độc lập, căn cứ vào pháp luật và các tình tiết trong vụ kiện, không chịu tác động của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào.
- Trọng tài viên phải bày tỏ thẳng thắn quan điểm của mình với các thành viên khác của Hội đồng trọng tài nhằm giải quyết đúng đắn và công bằng vụ tranh chấp.
- Trọng tài viên phải tự mình xem xét vụ kiện. Khi cần thiết có thể tham khảo ý kiến chuyên gia nhưng vẫn phải đảm bảo các quyết định trong quá trình tố tụng trọng tài được đưa ra chỉ dựa trên niềm tin nội tâm của Trọng tài viên và căn cứ pháp luật.
- Trong quá trình tố tụng, Trọng tài viên cần phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi, công bằng cho tất cả các bên trình bày quan điểm của mình về các vấn đề có liên quan đến vụ kiện.
Quy tắc 5 Bí mật thông tin.
- Trọng tài viên có nghĩa vụ gữ bí mật các vụ tranh chấp và không được sử dụng mọi thông tin liên quan đến vụ kiện vào bất kỳ mục đích nào và dưới bất kỳ hình thức nào, nếu không có thoả thuận của các bên hoặc pháp luật quy định khác.
- Trong quá trình điều tra trước và trong phiên họp xét xử, Trọng tài viên có nghĩa vụ giữ bí mật ý kiến, quan điểm của mình, của các thành viên khác và của Hội đồng trọng tài.
- Khi vụ kiện kết thúc, Trọng tài viên có nghĩa vụ giao nộp toàn bộ hồ sơ liên quan đến vụ kiện cho Thư ký Trung tâm lưu giữ.
Quy tắc 6: Ứng xử trong tiếp xúc và quan hệ với cơ quan tổ chức khác
Trong khi quan hệ, tiếp xúc với các cơ quan tổ chức khi tiến hành tố tụng trọng tài, Trọng tài viên phải có thái độ lịch sự, tôn trọng các cơ quan này.
Quy tắc 7: Tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp
Trong quan hệ, cộng tác với đồng nghiệp, các Trọng Tải Viên cần tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần xây dựng cùng nhau bảo vệ thanh danh uy tín của Trung tâm Trọng tài. Trong vụ kiện có nhiều Trọng tài viên, các Trọng tài viên có nghĩa vụ phải hợp tác, thông báo đầy đủ thông tin mà mình có được cho các thành viên khác của Hội đồng trọng tài. Đối với đồng nghiệp, Trọng tài viên không được xúc phạm hoặc dùng thủ đoạn hạ thấp uy tín của đồng nghiệp để đề cao mình.
Quy tắc 8: Văn hoá ứng xử khi thực hiện hoạt động của một Trọng tài viên và lối sống
Trọng tài viên là người thứ ba được các bên tranh chấp lựa chọn hay được Trung tâm Trọng tài thương mại tài chính ngân hàng Việt Nam chỉ định để giải quyết tranh chấp giữa các bên do đó trong quá trình giải quyết tranh chấp cũng như trong mọi công tác, sinh hoạt phải có lối sống, tác phong, ứng xử có văn hoá tạo được sự tôn trọng của các bên tranh chấp cũng như xã hội.